Monday, February 1, 2010

Lá Thư Nhà Văn Phạm Ngủ Yên Gởi Ban Chấp Hành Văn Bút Nam Hoa Kỳ

Thư gởi: Ban Chấp Hành Văn Bút Nam Hoa Kỳ
Thưa quý Anh Chị,


Trước hết, tôi kính chúc sức khỏe Anh Chị và chia sẻ đến quý Anh Chị một vấn đề từng làm tôi băn khoăn nhiều tháng qua. Hy vọng những điều tôi viết xuống hôm nay, sẽ làm sáng tỏ được câu chuyện hay ít ra cũng giải thích được lý do gây ra những ngộ nhận giữa tôi và ký giả Triều Giang.
 
Trong ý nghĩa khác, lá thư này cũng nói lên kinh nghiệm của một người cầm bút, đứng trước sự lựa chọn giữa gian trá và sự thật, giữa lẽ phải và ác tâm, giữa quyền tự do ngôn luận và sự xuyên tạc. Và với người cầm viết, phán xét cuối cùng cho những hệ luỵ là tin yêu của độc giả, nó sẽ cho chúng ta đứng vững thêm hay lôi kéo theo sự sụp đổ của nhân cách. Nó sẽ làm chúng ta nổi bật hơn hay mờ nhạt hơn, trong cách nhìn và đánh giá chung cuộc của độc giả.
 
Như quý Anh Chị đã biết, giữa tháng 6 năm 2009, tôi đã chuyển đến vài Anh Chị trong Văn Bút Nam Hoa Kỳ tài liệu của ông Michael Đỗ (tức Đỗ Văn Phúc), viết về bà Nancy Bùi, tức ký giả Triều Giang. Tài liệu này là căn bản cho một vụ kiện phỉ báng cá nhân (defamation lawsuit) mà tôi là tòng phạm vì đã chuyển đi.
 
Khi xảy ra sự việc, tôi đã có thư riêng gởi quý Anh Chị trong Ban Chấp Hành Văn Bút Khu Vực Nam Hoa Kỳ, giải thích sự im lặng của mình, để tránh đào thêm hố sâu ngộ nhận giữa tôi và ký giả Triều Giang. Ngoài ra khi việc xảy ra nhìn lại tôi còn cảm thấy ân hận vô cùng vì vô tình hành động đó đã làm tổn thương một người bạn văn.
 
Hôm nay, việc đã có phần sáng tỏ tôi xin được nói thêm.


Giữa tôi và ký giả Triều Giang không phải là người xa lạ để khiến tôi phải tạo nên những hiềm khích hay hiểu lầm không phân giải được.
 
Trước đây chúng tôi vẫn thăm hỏi khi gặp nhau ngoài xã hội, trong những sinh hoạt cộng đồng hay văn hóa ở địa phương. Ngoài ra chúng tôi còn có những tương quan tốt đẹp khác- vừa mang nặng lý tính, vừa mang nặng tình cảm cá nhân và chữ nghĩa.
 
Như ngày người bạn đời của tôi nằm xuống, một đau buồn nhất của đời tôi, ký giả Triều Giang cùng phu quân có đến chia buồn với gia đình tôi tại nhà quàn.
 
Khi tôi còn là Chủ Bút cho báo US . Viet Times, bà Triều Giang đã nhiều lần gởi bài. Những người bạn văn đáng quý của tôi ở khắp mọi nơi cũng là những người bạn văn thân tình của bà Triều Giang. Những khi tôi có dịp gặp họ, họ vẫn thường nhắn gởi lời thăm hỏi đến bà và ngược lại.
 
Trong hiện tại, trong cương vị của người đứng đầu Hội Bảo Tồn Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt, (VAHF) bà đang nỗ lực đóng góp vào việc giới thiệu và phát triển văn hoá Việt Nam đến người bản xứ. Những hoạt động đó tạo môi trường thích hợp cho thế hệ trẻ đóng góp cho ích lợi cộng đồng. Những sưu tập tư liệu thuyền nhân, về sự hình thành của cộng đồng tỵ nạn, về những đóng góp của các nghệ sĩ hải ngoại là những kho tài liệu quý giá cho thế hệ tương lai muốn tìm hiểu về nguồn gốc.
 
Trong những hoạt động văn hoá xã hội, đề án của bà trong việc giới thiệu và đưa các tác phẩm của các tác giả Việt Nam tại hải ngoại vào các thư viện Mỹ là một đề án được nhiều chú ý và ủng hộ từ những người cầm bút.
 
Tóm lại, trong nhận xét của tôi, ký giả Triều Giang nhiều ít đã lôi cuốn và thuyết phục được một số người ủng hộ hoạt động của Hội, nhất là giới trẻ và việc làm của bà cho chúng ta thấy được tinh thần quốc gia đáng quý.
 
Tôi và ông Michael Đỗ đã từng quen biết ở Việt Nam vì ở chung thành phố. Chúng tôi có cùng một quá khứ: Cũng là quân nhân trong QLVNCH, cùng sang Mỹ trong cùng thời gian, cùng chật vật trong bước đầu chân ướt chân ráo. Trong giới CQN ở Austin, ông Michael Đỗ là người được trọng vọng: Ông thành công về mặt tài chính, đỗ đạt bằng cấp cao trong khi hầu hết CQN khác còn chật vật mưu sinh. Ông có tài hùng biện, diễn thuyết nhiều nơi, có tham luận chính trị in thành sách, có Website cá nhân. Tóm lại, dù không thân tình với ông, các anh em CQN, kể cả tôi, đều có phần ngưỡng mộ ông.
 
Tài liệu ông Michael Đỗ viết về ký giả Triều Giang là tích lũy của nhiều thông tin rải rác từ ông trong hơn hai năm qua ở địa phương dưới nhiều hình thức.
 
Tài liệu này chứa đựng những thông tin hầu như khó kiểm chứng cho dù người đọc có khả năng Anh ngữ và quen sử dụng Internet. Ngoài ra, nhiều cáo buộc đến từ những nguồn không rõ xuất xứ, hoặc chỉ nói phân nửa sự thật, gieo cho người đọc nhiều nghi vấn. Những “chứng cớ” xa vời được sắp xếp lại với nhau một cách gượng ép nhằm chinh phục những người đọc ít đề phòng. Nhưng vì những tài liệu này đến từ ông Michael Đỗ, một người mà tôi có ít nhiều nễ trọng, nên dù muốn dù không cũng dễ bị lung lạc hơn.
 
Tuy vậy, tôi vẫn giữ sự hoài nghi cố hữu của người cầm viết. Cho đến một ngày, ông Michael đưa ra lập luận rằng nếu bà Triều Giang vừa làm Chủ tịch của một Hội đoàn chính trị tại hải ngoại, vừa đi về Việt Nam làm ăn với cộng sản, thì đó là một điều cần quan tâm và nên đặt dấu hỏi.
Là người trong Chúa, lập luận này làm tôi nhớ đến một câu trong Kinh Thánh: “Các ngươi đừng làm tôi hai chủ”. Từ đó điều ông Michael Đỗ cáo buộc bà Triều Giang có phần đáng tin hơn. Chính trong tâm trạng này mà tôi đã gởi chuyển thư đi, dù cho chỉ một vài văn hữu, tài liệu từ ông Michael Đỗ.
***
Người ta cũng dễ nhầm lẫn tưởng rằng một nửa của sự thật giống như một nửa cái bánh.


Có những điều mà khi đề cập đến sẽ khơi dậy vết thương cũ ở người đọc. Người ta sẽ không còn sáng suốt để chọn lựa giữa đúng sai mà chỉ hành động theo cảm tính tức thời. Như chuyện về nỗi đau của người lính Việt Nam Cộng Hòa, chuyện mọi người bỏ nước ra đi tìm tự do vì không sống được trong chế độ cộng sản, hay chuyện hợp tác với chính quyền cộng sản...
 
Sau khi chuyển tài liệu nói trên, tôi có thì giờ bình tâm lại, và tham khảo với vài người trong cộng đồng, với những văn hữu thân tình. Những tìm hiểu này cho tôi thấy được một vài khía cạnh làm sụp đổ những cáo buộc trong tài liệu. Như nghi vấn về tài sản hiện có của bà Triều Giang và đặt câu hỏi về sự thành công của bà. Điều này có thể giải thích được là bằng sự cần mẫn và một chút may mắn người ta có thể tạo được một cơ ngơi đáng kể từ hai bàn tay trắng.
 
Còn cáo buộc ám chỉ những ai có liên hệ doanh thương với Việt Nam là cộng sản thì càng vô lý hơn vì Hoa kỳ là nước đầu tư lớn nhất ở trong nước hiện nay và các đại công ty Mỹ như IBM, Intel, Motorola, Morgan Stanley... đều có đầu tư ở Sàigòn- Hànội.
 
Sau này do sự thu xếp của một vài văn hữu, tôi có cơ hội đối thoại với ký giả Triều Giang. Qua những trao đổi, tôi được đưa xem bằng cớ xác nhận ký giả Triều Giang từ năm 2003 đã không về Việt Nam, trái với những cáo buộc; tôi còn biết thêm những buôn bán (cà phê) với Việt Nam thật ra là một chương trình từ thiện giúp cho một dòng nữ tu tự túc về sinh kế; tôi cũng đã được xem thư của trường Đại Học Texas Tech ở Lubbock xác nhận ký giả Triều Giang và Hội VAHF không có mặt trong buổi hội thảo đặc biệt năm 2007 cũng như nhà văn Bảo Ninh từ trong nước ra là khách mời của VN Center và không hề là thành viên trong phái đoàn của Hội VAHF. Đây là những cáo buộc mạnh mẽ dể lung lạc người đọc nhất, nhưng hoàn toàn sai sự thật.
 
Chính vì điều này và sau khi nhận thức được đúng sai, đã cho thấy việc tôi từ chối đứng tên chung trong bản tuyên cáo xin yểm trợ Quỹ Pháp Lý của ông Michael Đỗ là một quyết định chính đáng. 
***
Nhân dịp này tôi xin minh xác một vài thắc mắc của một số văn hữu.
 
Có những rỉ tai trong cộng đồng Austin cho rằng tôi là đồng tác giả bài viết “Thức Dậy Đi Trước Khi Quá Muộn” ký tên Bằng Nguyễn đăng trên mạng tinparis.net năm 2007 nội dung có những cáo buộc tương tự về ký giả Triều Giang. Phần đầu bài viết mang hơi hám văn phong của tôi để gây ấn tượng cho người đọc, nhưng phần cuối thì cách hành văn lại khác hẳn.


Tôi xin khẳng định tôi không hề là tác giả hay đồng tác giả của bài viết đó.
 
Trong thời gian bắt đầu vụ kiện, lại có một email nặc danh gởi đi từ một địa chỉ miền Việt Nam nói xấu về cộng đồng Austin và nêu đích danh tôi là đạo diễn dấu mặt đứng sau nhiều "sự cố" trong cộng đồng. Điều này đã xúc phạm danh dự tôi nặng nề và thách thức trình độ nhận thức của cộng đồng Austin .


Là nhà văn, tôi trân trọng ngòi bút của mình và hảnh diện về bút hiệu đã dùng gần 40 năm qua, không lý do gì tôi phải tránh né dưới một tên khác.
***
Cho nên lá thư này nhằm mục đích làm sáng tỏ lại một vấn đề từng gây tranh cải đồng thời trả lại cho bà Triều Giang cái giá trị đích thực. Những điều bất xứng mà người ta đã nhân danh tự do ngôn luận từng áp đặt lên bà từ nhiều năm qua, hi vọng hôm nay sẽ dừng lại.
 
Trong ý nghĩa khác, cũng qua lá thư này, người viết nhờ đó sẽ thấy lòng nhẹ bớt và không còn cảm thấy ray rứt lương tâm, khi sự thật được giải bày trước công luận. Những gì của Cesar, hãy trả lại Cesar. Riêng về mặt pháp lý, vụ kiện vẫn còn đang tiếp diễn, tôi đợi ngày ra tòa để nói lên sự thật này.
 
Đây cũng là cơ hội cho tôi chiêm nghiệm lại nguyên tắc sống và viết. Tôi luôn quan niệm rằng người cầm bút hoặc sinh hoạt cộng đồng chúng ta cần phải tôn trọng sự thật, cẩn trọng với ngôn từ và bao dung khi bày tỏ bất đồng ý kiến hoặc phê bình nhau. Nếu chúng ta không giữ thể diện cho nhau được thì khó lòng nhìn nhau được về sau, chưa nói đến việc cộng tác với nhau.
 
Cuối cùng, tôi xin cám ơn quý Anh Chị đã quan tâm cũng như luôn đặt niềm tin vào sự ngay thẳng của tôi và tận lòng hóa giải mọi hiểu lầm đáng tiếc để tôi khỏi mất đi một người bạn văn.


Trân trọng


Phạm Ngũ Yên